PHỤC SINH-SỐNG LẠI (GIÁO LÝ CÔNG GIÁO) (28/11/2021)

tháng 11 28, 2023 |


Mùa Vọng mà nói phục sinh không phải “lộn mùa”, hay “trái mùa”, nhưng nối tiếp bài giáo lý trong thời đại dịch cho phép viếng nghĩa trang lãnh ơn toàn xá cả tháng 11…
Ta đã tìm hiểu thân phận con người cao quí nhưng yếu đuối, tội lỗi và phải chết. Nhưng ta không chỉ là xác hư nát trở về bụi tro, mà có linh hồn bất tử Chúa trực tiếp ban cho, ta có yếu tố trường tồn, vĩnh hằng… con người tồn tại mãi dù đã chết, và tận thế, toàn bộ con người sẽ phục sinh. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO dạy :
997 :
“Phục sinh" là gì ? Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa, nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa, khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giê-su Phục Sinh.
998 :
Ai sẽ phục sinh ? Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh : "Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5, 29; x. Ðn 12, 2).
999 :
Phục sinh thế nào ? Ðức Ki-tô đã phục sinh với chính thân xác mình : "Hãy nhìn chân tay Thầy coi : đúng là Thầy đây mà" (Lc 24, 39). Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ đang có bây giờ " (x. Cđ Latran IV: DS 801), nhưng thân xác đó "sẽ biến đổi thành thân xác vinh hiển" (Pl 3, 21), thành "thân xác có thần khí" (1 Cr 15, 44) : Có người thắc mắc : Kẻ chết sống lại như thế nào? Họ lấy thân hình nào mà trở về ? Ðồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là thân hình sẽ mọc lên nhưng là một hạt trơ trụi… Khi gieo xuống là thân xác hư nát, mà khi sống lại thì bất diệt... những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát... Vì cái thân phải hư nát này cần phải mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này cần phải mặc lấy sự bất tử (x. l Cr 15, 35-37. 42, 42-53).
1000 :
“Thân xác con người phục sinh như thế nào" là điều vượt quá sức tưởng tượng và hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được trong đức tin. Dầu vậy, khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được nếm trước việc thân xác chúng ta được biến đổi nhờ Ðức Ki-tô : Bánh là hoa mầu ruộng đất, nhưng sau khi đã kêu cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa mà trở thành Mình Thánh Chúa, gồm cả hai thực tại trần thế và thượng giới. Cũng vậy, khi con người rước Mình Thánh Chúa, thân xác sẽ không phải hư nát vì mang trong mình hạt giống phục sinh (x Irênê, chống lạc giáo 4, 18, 4-5).
1001 :
Bao giờ kẻ chết sống lại ? Mọi người sẽ sống lại (x. Ga 6, 39-40, 44. 54;11, 24) "vào ngày sau hết", "ngày tận thế"(x. LG 48). Ngày kẻ chết sống lại chính là ngày Ðức Ki-tô quang lâm :
"Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời xuống và những kẻ chết trong Ðức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên" (lTx 4, 16).
1002 :
Ðức Ki-tô sẽ cho chúng ta sống lại "ngày sau hết" nhưng có thể nói, chúng ta đã phục sinh với Ðức Ki-tô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Ki-tô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Ki-tô ngay từ đời này : “Anh em đã được mai táng cùng với Ðức Ki-tô, khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, bởi anh em đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ kẻ chết… Vậy bởi anh em đã sống lại cùng với Ðức Ki-tô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì trên trời, nơi Ðức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 2, 12; 3, 1).
1003 :
Ðược kết hiệp với Ðức Ki-tô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Ki-tô Phục Sinh (x. Pl 3, 20), nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Ki-tô trong Thiên Chúa" (Cl 3, 3). "Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Ðức Ki-tô trên cõi trời" (Ep 2, 6). Ðược nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ðức Ki-tô, chúng ta đã thuộc về Thân Thể Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang" (Cl 3, 4).
1004 :
Trong khi chờ đợi ngày ấy, xác và hồn của tín hữu đã được vinh dự "thuộc về Ðức Ki-tô". Vì thế, phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của kẻ khác, nhất là khi thân xác phải chịu đau đớn : Thân xác là để phụng sự Thiên Chúa vì Chúa là chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Ðức Ki-tô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết thân xác anh em là chi thể của Ðức Ki-tô sao ? ... Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em (x. l Cr 6, 13-15. 19-20).
1005 :
Muốn được phục sinh với Ðức Ki-tô, chúng ta phải cùng chết với Người, ta phải "lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa" (2 Cr 5,8) Chết là "ra đi" (Pl 1, 23), hồn lìa khỏi xác. Hồn sẽ họp lại với xác trong ngày kẻ chết sống lại (x. SPF 28).
Xem tiếp…

CON NGƯỜI

tháng 11 25, 2023 |


Con người chúng ta là thụ tạo hữu hình cao quí nhất, nhưng đại dịch cho ta thấy rõ thân phận mong manh, gặp nhiều khổ đau… và phải chết, nhiều nhà chết muốn hết, nhiều người chết rất trẻ… Sao kỳ vậy ? Chết rồi còn hy vọng gì không ?… GIÁO LÝ CÔNG GIÁO giải thích cho ta :
357
con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác. Do ân sủng, mỗi nguời được mời để giao ước với Ðấng Sáng Tạo, dâng lên Người một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được.
Được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người trực tiếp dạy, chúng ta gọi Đấng Sáng Tạo là Chúa và là Cha, và dâng lời cảm tạ :
380
“Lạy Cha, Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha, và giao cho họ trách nhiệm trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Ðấng tạo hóa, con người làm chủ mọi loài thọ sinh" (MR, kinh Tạ ơn IV, 118) .
381
Con người được tiền định để họa lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người - "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1, 15) hầu Chúa Ki-tô trở nên trưởng tử của muôn vàn anh chị em (x. Ep 1, 3-6; Rm 8, 29).
382
Con người là "một thực thể đơn nhất gồm hồn và xác" (GS 14, 1). Giáo lý đức tin khẳng định : linh hồn thiêng liêng và bất tử, được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo .
383
Thiên Chúa không tạo dựng con người đơn độc : từ khởi nguyên, "Người đã tạo nên họ có nam có nữ" (St 1, 27); sự liên kết giữa họ đã tạo nên xã hội đầu tiên của con người (GS 12, 4)".
384
Mặc khải cho chúng ta biết tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy của người nam và người nữ trước khi phạm tội: cuộc sống hạnh phúc của con người trong vườn địa đàng bắt nguồn từ tình thân với Thiên Chúa.
413
“Thiên Chúa không tạo ra sự chết. Người chẳng vui thích gì khi các sinh linh hư mất ... Cái chết đã xâm nhập vào trần thế do lòng ghen ghét của ma quỷ (Kn l, l3; 2, 24)".
414
Xa-tan hoặc ma quỉ và các ác thần khác là những thiên thần sa đọa vì đã tự ý khước từ phục vụ Thiên Chúa và ý định của Người. Ðây là một lựa chọn dứt khoát chống lại Thiên Chuá. Chúng đã có dụng ý lôi kéo con người cùng với chúng nổi loạn chống lại Thiên Chúa.
415
“Ðược Thiên Chúa đặt trong tình trạng thánh thiện, ngay từ phút đầu của lịch sử, con người nghe theo thần dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa" (GS l3, 1) .
416
Ađam, con người đầu tiên, vì phạm tội đã đánh mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy được Thiên Chúa ban, không những cho mình mà cho cả nhân loại.
417
Ađam và Evà đã truyền lại cho hậu duệ một nhân tính bị tội đầu tiên làm tổn thương, không còn sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Sự mất mát đó được gọi là "nguyên tội".
418
Hậu quả của nguyên tội là bản tính loài người bị suy yếu trong các khả năng, lâm cảnh mê muội, bị sự chết thống trị, hướng chiều về tội lỗi (hướng chiều này gọi là "vật dục") và như thế, mỗi người đều mắc nguyên tội.
419
Cùng với Công Ðồng Tren-tô chúng tôi xác quyết nguyên tội được lưu truyền lại cùng với bản tính nhân loại "không phải do bắt chước mà do sinh sản" và từ đó, nguyên tội trở nên của mỗi người" (SPF l6).
420
Ðức Ki-tô chiến thắng tội lỗi đã mang lại cho chúng ta những ân huệ cao đẹp hơn những gì tội lỗi đã làm mất đi : "Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đấy ân sủng được thông ban dư đầy" (Rm 5, 2O).
421
“Người Ki-tô hữu tin rằng thế giới này đã được thiết lập và giữ gìn nhờ tình yêu của Ðấng Sáng Tạo, tác thành và bảo trì. Thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi; nhưng Ðức Ki-tô đã nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh bẻ gẫy uy quyền của ác thần và giải thoát thế giới" (GS 2, 2).
Xem tiếp…

THIÊN ĐÀNG, LUYỆN NGỤC, HỎA NGỤC (GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1993)

tháng 11 23, 2023 |


Tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, những ngày cuối tháng cầu cho người đã qua đời, ta cùng đọc GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1993 về số phận cuối cùng của nhân loại:
II. Thiên Đàng (1023–1029)
1023
Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống muôn đời với Đức Ki-tô. Muôn đời họ sẽ giống như Thiên Chúa, bởi vì họ

thấy Ngài “như Ngài là” (1 Ga 3,2), “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12)
“Bằng thẩm quyền tông đồ, chúng tôi định tín rằng: Theo sự an bài chung của Thiên Chúa, từ sau cuộc Thăng thiên của Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô, linh hồn của tất cả các Thánh… và của mọi Ki-tô hữu đã chết sau khi lãnh nhận Phép Rửa thánh thiêng của Đức Ki-tô, nếu họ không có gì phải thanh luyện, sau khi họ chết,… hoặc nếu lúc đó nơi họ đã hoặc sẽ có gì phải thanh luyện, mà đã thanh luyện xong sau khi chết… thì ngay cả trước khi họ đảm nhận lại thân xác của mình và trước cuộc phán xét chung, các linh hồn này đã, đang và sẽ được ở trên trời, trên Nước Trời và trên Thiên Đàng cùng với Đức Ki-tô, được nhập đoàn các thánh Thiên thần, và sau cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô, các linh hồn này đã và đang

được xem thấy bản tính thần linh bằng sự hưởng kiến trực tiếp và giáp mặt, không qua trung gian một thụ tạo nào.”
1024
Đời sống trọn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh, việc hiệp thông sự sống với Ngài, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, với các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “thiên đàng.” Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn.
1025
Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Ki-tô.” Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình.
“Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Ki-tô, bởi vì ở đâu có Đức

Ki-tô, ở đó là Nước Trời.”
1026
Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Ki-tô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Ki-tô.
1027
Mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Ki-tô, vượt quá mọi hiểu biết và mọi trình bày. Thánh Kinh nói với chúng ta về mầu nhiệm này bằng các hình ảnh: sự sống, ánh sáng, sự bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, nhà Cha, thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1 Cr 2,9).
1028
Thiên Chúa, vì sự siêu việt của Ngài, không ai có thể trông thấy Ngài như Ngài là, nếu chính Ngài không mở mầu nhiệm của Ngài cho con người chiêm ngưỡng trực tiếp, và nếu chính Ngài không ban cho con người khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như vậy trong vinh quang thiên quốc của Ngài, được Hội Thánh gọi là “sự hưởng kiến vinh phúc” (visio beatifica):
“Bạn sẽ vinh quang và hạnh phúc biết bao vì được phép nhìn thấy Chúa, được hân hạnh hưởng niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu cùng với Chúa Ki-tô, Thiên Chúa của bạn,… bạn sẽ hưởng niềm vui của sự bất tử cùng với những người công chính và các bạn hữu của Thiên Chúa trong Nước Trời.”
1029
Trong vinh quang trên trời, các Thánh vẫn tiếp tục thi hành thánh ý của Thiên Chúa một cách hân hoan đối với những người khác và đối với toàn thể các thụ tạo. Các ngài đã hiển trị cùng với Đức Ki-tô; cùng với Người, các ngài “sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).
III. Sự thanh luyện cuối cùng hoặc Luyện ngục (1030–1032)
1030
Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.
1031
Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt. Hội Thánh công bố đạo lý đức tin liên quan đến luyện ngục, chủ yếu trong các Công đồng Florentinô và Tri-đen-ti-nô. Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên một số bản văn của Thánh Kinh, nói đến lửa thanh luyện:
“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,32). Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau.”
1032
Đạo lý này cũng dựa trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố, điều này đã được Thánh Kinh nói đến: “Bởi đó ông Giu-đa Ma-ca-bê đã dâng hy lễ đền tội cho những người quá cố, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời:
“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông: tại sao bạn lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không?… Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
IV. Hỏa ngục (1033–1037)
1033
Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân, và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa chúng ta cảnh cáo rằng chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi Người, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn, là các anh em của Người. Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (“autoexclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ “hỏa ngục.”
1034
Chúa Giê-su thường nói về lửa không hề tắt của “hỏa ngục”, dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất. Chúa Giê-su dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung… mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42), và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41).
1035
Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu “lửa muôn đời.” Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.
1036
Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):
“Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để, khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26) chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng.”
1037
Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9):
“Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa,
và của toàn thể gia đình Chúa…
Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa,
cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời
và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn.”
Xem tiếp…

BỆNH, DỊCH…

tháng 11 22, 2023 |

BỆNH, DỊCH…
Không biết có ai không bệnh không, nhưng tôi và nhiều người bị nó đeo bám hằng ngày. Nay dịch tràn lan, có khi quê hương Bình Thuận vượt quá 1000 ca trong ngày, chỉ đứng sau Sàigòn, nhiều giáo dân và người thân cũng nhiễm dịch bệnh…
GIÁO LÝ CÔNG GIÁO nói về bệnh tật giúp ta cảm thấu phận mình và cảm thông nỗi thống khổ của các bệnh nhân… Xin Chúa giúp ta được thanh luyện từ dịch bệnh, không ngã lòng nhưng vững tin, tha thiết khẩn cầu Chúa Giêsu, là vua nhân hậu và là lương y chữa lành chúng ta và thế giới :
1500 :
Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn.
1501 :
Bệnh tật có thể làm cho con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống để biết quay về với những điều chính yếu. Thường bệnh tật hối thúc con người tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Người.
1502 :
Cựu Ước nhìn bệnh tật trong tương quan với Thiên Chúa. Con người than thở với Chúa về bệnh tật (x. Tv 38) và xin Người cứu chữa, vì Người là Chúa sự sống và sự chết (x. Tv 6,3; Is 38). Bệnh tật trở thành con đường hoán cải và Thiên Chúa có tha thì bệnh mới lành (x. Tv 32,5; 107,20; Mc 2, 5-12). Dân Ít-ra-en có kinh nghiệm rằng bệnh tật liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ; trung thành giữ luật Chúa sẽ được Người hoàn lại sự sống, "vì Ta là Chúa, là Lương Y của ngươi" (Xh 15,26). Ngôn sứ I-sai-a tin rằng đau khổ cũng có giá trị chuộc tội cho kẻ khác (x Is 53,11). Ông loan báo Thiên Chúa sẽ ban cho Xi-on một thời đại, lúc đó Người sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành mọi bệnh tật (x. Is 33,34).
1503 :
Ðức Ki-tô cảm thương người bệnh tật và chữa lành nhiều kẻ yếu đau (x. Mt 7,24): đó là dấu chỉ tỏ tường Thiên Chúa viếng thăm Dân Người (Lc 7,16) và Nước Trời đã gần kề. Ðức Giê-su không những có quyền chữa bệnh nhưng còn có quyền tha tội (x. Mc 2,5-12): Người đến chữa lành con người, cả hồn lẫn xác; Người là Lương Y mà các bệnh nhân cần đến (x. Mc 2,17). Người cảm thương mọi bệnh nhân đến nỗi đồng hóa với họ : "Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom" (Mt 25,36). Lòng yêu thương Ðức Ki-tô dành cho những người đau yếu luôn thôi thúc các tín hữu đón nhận tất cả những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tình yêu này là nguồn mọi cố gắng không ngừng để nâng đỡ những anh em đau khổ.
1504 :
Ðức Giê-su thường đòi các bệnh nhân phải tin (x. Mc 5,34; 9,23). Người dùng những dấu bề ngoài để chữa bệnh : nước miếng và việc đặt tay (x. Mc 7, 32-36; 8,22-25), bùn đất và rửa sạch (x. Ga 9,6tt). Các bệnh nhân tìm cách chạm đến Chúa (x. Mc 1,41; 3,10; 6,56), "vì có một năng lực tự nơi Người phát ra chữa tất cả mọi người" (Lc 6,19). Trong các bí tích, Ðức Ki-tô tiếp tục "chạm" đến để chữa lành chúng ta.
1505 :
Xúc động trước bao cảnh khổ đau, Ðức Giê-su không những để cho bệnh nhân chạm đến Người nhưng còn nhận lấy đau khổ của họ làm của mình : "Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (x. Mt 8,17; Is 53,4). Tuy nhiên, Người đã không chữa mọi bệnh nhân. Việc Người chữa lành là dấu chỉ Nước Trời đang đến, loan báo việc chữa lành tận căn : đó là toàn thắng trên tội lỗi và cái chết nhờ cuộc Vượt Qua của Người. Trên thập giá, Ðức Ki-tô đã mang lấy tất cả mọi gánh nặng của sự dữ. Người "xóa tội trần gian" (Ga 1,29) mà bệnh tật chỉ là một hậu quả. Khi chịu nạn và chịu chết trên thánh giá, Ðức Ki-tô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ : đau khổ giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người.
Xem tiếp…

CHẾT- PHÁN XÉT

tháng 11 22, 2023 |


1020
Ki-tô hữu nào kết hợp sự chết riêng của mình với sự chết của Chúa Giê-su, thì coi sự chết như việc đến với Chúa và đi vào sự sống muôn đời. Khi Hội Thánh, lần cuối cùng, đọc lời xá giải của Đức Ki-tô để tha thứ cho Ki-tô hữu hấp hối, xức dầu ban sức mạnh và trao Chúa Ki-tô là của ăn đàng như lương thực cho cuộc hành trình, Hội Thánh dịu dàng trấn an người ấy:
“Hỡi linh hồn Ki-tô hữu, hãy ra đi khỏi trần gian này,
nhân danh Chúa Cha toàn năng,
Đấng đã tạo dựng nên con,
nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô,
Con Thiên Chúa hằng sống,
Đấng đã chịu khổ hình vì con,
nhân danh Chúa Thánh Thần,
Đấng đã được tuôn đổ trên con;
hôm nay xin cho con được bình an đến chỗ của con
và nơi lưu ngụ của con bên Thiên Chúa trong thành thánh Xi-on,
cùng với Đức thánh Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa,
với thánh Giu-se, với tất cả các Thiên thần và các Thánh của Thiên Chúa…
Xin cho con được trở về cùng Đấng đã lấy bùn đất tạo dựng nên con.
Khi con lìa bỏ đời này, xin thánh Ma-ri-a, các Thiên thần và toàn thể các Thánh đón tiếp con…
Xin cho con được nhìn thấy mặt giáp mặt Đấng Cứu Chuộc con và con được chiêm ngưỡng Thiên Chúa đến muôn đời.”
I. Phán xét riêng (1021–1022)
1021
Sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Ki-tô. Tân Ước nói về sự phán xét chủ yếu trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ sau cùng với Đức Ki-tô khi Người ngự đến lần thứ hai, nhưng cũng nhiều lần khẳng định sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ. Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô, và lời Đức Ki-tô trên thập giá nói với người trộm lành, cũng như những bản văn khác trong Tân Ước nói đến số phận cuối cùng của linh hồn, một số phận có thể khác nhau giữa người này với người khác.
1022
Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Ki-tô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời.
“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu.”
V. Phán xét cuối cùng (1038–1041)
1038
Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng… Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Ki-tô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu… Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).
1039
Đối diện với Đức Ki-tô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:
“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)… Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt họ làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta.”
1040
Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Ki-tô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Ki-tô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết.
1041
Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).
Xem tiếp…

CHẾT: Tháng 11 nhớ người đã chết (GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992)

tháng 11 20, 2023 |


Tối hôm qua, 19/11/2021, cả nước tưởng niệm hơn 23.300 người Việt chết vì covid…
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992, dạy chúng ta về cái chết qua các số :
1006 :
Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ" (x. GS 18). Con người phải chết, đó là điều tự nhiên. Nhưng, đức tin cho chúng ta biết, chết là "tiền công trả cho tội lỗi" (Rm 6, 23) (x. St 2, 17). Và đối với người chết trong ân sủng Ðức Ki-tô, chết là tham dự vào cái chết của Chúa để cùng được tham dự vào sự Phục Sinh của Người (x. Rm 6, 3-9; Pl 3, 10-11).
1007 :
Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ là đời người có hạn:
"Vào thời thanh xuân, con hãy nhớ đến Ðấng Sáng Tạo ... trước khi bụi trở về với đất như cũ và sinh khí trở về với Ðấng đã ban nó cho con" (x. Giảng viên 12, 1. 7).
1008 :
Chết là hậu quả của tội lỗi. Khi chính thức giải thích những điều Thánh Kinh (x. St 2, 17;3, 3;3, 19;Sg 1, 13;Rm 5, 12;6, 23) và Thánh Truyền khẳng định, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian vì con người đã phạm tội (x. DS 1511). Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa sáng tạo và nó bước vào trần gian như hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2, 23-24). "Giả như con người không phạm tội thì đã không phải chết" (x. GS 18), nên "cái chết là kẻ thù cuối cùng con người cần phải chiến thắng" (x. 1Cr 15, 26).
1009 :
Cái chết được biến đổi nhờ Ðức Ki-tô. Dù là Con Thiên Chúa, Ðức Giê-su đã chịu chết vì mang thân phận con người. Ðứng trước cái chết, tuy sợ hãi (x. Mc 14, 33-34; Dt 5, 7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Ðức Giê-su đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành (x. Rm 5, 19-21).
1010 :
Nhờ Ðức Ki-tô, chết mang một ý nghĩa tích cực. "Ðối với tôi, sống là Ðức Ki-tô và chết là một mối lợi" (Pl 1, 21). "Ðây là lời đáng tin cậy : Nếu ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2, 11). Ki-tô giáo đem lại ý nghĩa mới cho cái chết : nhờ bí tích Thánh Tẩy, Ki-tô hữu đã "cùng chết với Ðức Ki-tô" cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Nếu chúng ta chết trong ân sủng Ðức Ki-tô, cái chết thể xác sẽ kết thúc việc "cùng chết với Ðức Ki-tô" mỗi ngày để hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vĩnh viễn vào Người nhờ công trình cứu độ của Người:
Ðối với tôi, chết trong Ðức Giê-su Ki-tô còn hơn là được cai trị cả thế gian. Tôi đang đi tìm Ðấng đã chết cho chúng ta: tôi đang khao khát Ðấng đã phục sinh cho chúng ta. Giờ tôi được sinh ra (trong cuộc sống vĩnh cửu) đã gần kề ... Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền, khi nào tôi tới được đó, tôi mới thực sự là một con người (x. T. Inhaxio Antiôkia, thư gởi giáo đoàn Rô-ma 6, 1-2).
1011 :
Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế đối với cái chết, Ki-tô hữu có thể mong ước như Thánh Phao-lô : "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Ki-tô" (Pl 1, 23); theo gương Ðức Ki-tô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (x. Lc 23, 46).
Xem tiếp…

NGƯỜI CHẾT PHỤC SINH THẾ NÀO ? (Trích GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992: 997)

tháng 11 20, 2023 |


997
“Phục sinh” là gì? Khi chết, linh hồn và thân xác bị tách biệt, thân xác con người bị hư hoại trong khi linh hồn của nó đến gặp Thiên Chúa, mà vẫn mong đợi được kết hợp lại với thân xác được tôn vinh của mình. Thiên Chúa, bằng sự toàn năng của Ngài, sẽ vĩnh viễn trả lại sự sống bất hoại cho thân xác chúng ta, kết hợp thân xác đó với linh hồn chúng ta, bằng sức mạnh của cuộc phục sinh của Chúa Giê-su.
998
Ai sẽ phục sinh? Tất cả mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).574
999
Phục sinh thế nào? Đức Ki-tô đã phục sinh với thân xác riêng của Người: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!” (Lc 24,39); nhưng Người không trở lại với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, “tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác riêng của mình, thân xác hiện giờ họ đang mang”, nhưng thân xác này “sẽ được biến đổi thành thân xác của sự vinh quang”, thành “thân thể có thần khí” (1 Cr 15,44):
“Nhưng có người sẽ nói: Kẻ chết sống lại thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống; cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi… Gieo xuống thì hư nát, mà sống lại thì bất diệt;… những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát… Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (l Cr 15,35-37.42.52- 53).
1000
Sự “phục sinh thế nào” đó, vượt quá trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta; điều đó chỉ có thể đạt tới bằng đức tin. Nhưng việc chúng ta tham dự vào bí tích Thánh Thể đã cho chúng ta được nếm trước sự biến hình của thân xác chúng ta nhờ Đức Ki-tô:
“Cũng như bánh là hoa mầu ruộng đất, sau khi nhận được lời khẩn cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa, nhưng là Thánh Thể với hai thực tại trần thế và thiên quốc: cũng vậy, thân xác chúng ta khi đón nhận Thánh Thể thì không còn bị hư hoại, nhưng đã mang niềm hy vọng phục sinh.”
1001
Khi nào phục sinh? Một cách vĩnh viễn, “trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40.44.54; 11,24); “ngày tận thế.” Quả vậy, sự phục sinh của những người chết được gắn liền với cuộc Quang lâm của Đức Ki-tô:
“Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên” (l Tx 4,16).
Phục sinh với Đức Ki-tô (1002–1004)
1002
Nếu thật sự là, Đức Ki-tô sẽ cho chúng ta phục sinh trong “ngày sau hết”, thì cũng thật sự là, một cách nào đó, chúng ta đã phục sinh với Đức Ki-tô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống Ki-tô hữu, ngay nơi trần thế, đã là sự tham dự vào cái Chết và sự Sống lại của Đức Ki-tô:
“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết… Anh em đã được sống lại cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 2,12; 3,1).
1003
Được liên kết với Đức Ki-tô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đã tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Ki-tô phục sinh,579 nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
1004
Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Ki-tô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó phải chịu đau đớn:
“Thân xác… phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?… Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,13-15.19-20).
Xem tiếp…